Chi phí lãi vay – tấm khiên chắn thuế giờ đã thủng!

Nghị định 20/2017 quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã được Chính phủ ban hành vào tháng 2 năm 2017. Trong đó khoản 3, điều 8 quy định: Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của doanh nghiệp được trừ xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần của hoạt động kinh doanh cộng với lãi vay và chi phí khấu hao trong kỳ. Theo đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và sẽ bị tính thuế (thu nhập doanh nghiệp).

Mặc dù nghị định còn một vài điểm chưa rõ ràng như việc khống chế chi phí lãi vay này chỉ áp dụng với các khoản vay từ bên liên kết hay áp dụng cho tất cả các khoản vay của doanh nghiệp nhưng có thể thấy Nghị định 20 đã khiến chi phí lãi vay (vốn được coi là tấm khiên chắn thuế) của các doanh nghiệp nay đã bị thủng mà còn là thủng lỗ lớn. Có thể ví von tấm khiên này lúc trước chắn được 100% thì nay chỉ còn chắn được 20% “mũi tên thuế” nhắm vào doanh nghiệp. Hậu quả dễ thấy nhất và hiệu quả nhất là nhà nước sẽ thu được thêm nhiều tiền thuế (thu nhập doanh nghiệp) từ phần chi phí lãi vay không được khấu trừ. Tuy nhiên “tác dụng phụ” của Nghị định này gây ra cho các doanh nghiệp không phải là nhỏ. Có thể xem xét một số thí dụ sau đây:

Thí dụ thứ nhất: trong hai đối tượng doanh nghiệp là doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội thì doanh nghiệp nội bị ảnh hưởng lớn hơn vì doanh nghiệp nội không có đường né. Cụ thể đối với doanh nghiệp FDI thì họ sẽ tính toán lại để phần chi phí lãi vay (theo báo cáo) đúng bằng với mức khống chế 20% của Nghị định và phần chi phí lãi vay còn lại sẽ được “biến hóa” thành các chi phí mang những tên gọi khác như chi phí tư vấn quản lý, chi phí chung chia sẻ…vv. Trong khi các doanh nghiệp nội không có được sự lựa chọn như vậy và đương nhiên phải nộp thêm thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần chi phí lãi vay vượt mức trần.

Thí dụ thứ hai: các doanh nghiệp nội nói chung rất thiếu vốn và hầu hết phải đi vay để có nguồn lực cho đầu tư sản xuất và mở rộng kinh doanh cùng với việc chi phí vốn (trong đó có chi phí lãi vay) ở Việt Nam lại cao hơn so với các nước trong khu vực và cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển. Nay với việc khống chế mức trần chi phí lãi vay thì gánh nặng thuế càng tăng cho các doanh nghiệp nội. Điều này có thể khiến quá trình lớn lên của doanh nghiệp nội vốn đã khó khăn nay lại càng gập ghềnh hơn. Trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp, việc dùng đòn bẩy nợ (đòn bẩy tài chính) là cách thức phổ biến nhất giúp cho doanh nghiệp tăng nhanh được quy mô tài sản. Nay với việc khống chế chi phí lãi vay, coi như đòn bẩy nợ đã bị cắt cụt 4/5. Mà tay đòn càng ngắn thì hiệu quả để bẩy càng kém, thậm chí không bẩy nổi.

Thí dụ thứ ba: các doanh nghiệp nội chủ yếu tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp. Mà những ngành này đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài. Trong giai đoạn đầu của quá trình đầu tư, doanh thu rất thấp thậm chí không có, trong khi chi phí lãi vay vẫn phát sinh đều đặn. Nay với việc khống chế mức trần chi phí lãi vay khiến doanh nghiệp rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu tiếp tục đi vay để đầu tư như cũ thì gánh nặng thuế tăng lên, doanh nghiệp càng phải gồng mình (giống như con bệnh vẫn phải mua thuốc uống dù giá thuốc tăng). Mà cố quá thì dễ quá cố! Ngược lại nếu cắt giảm đầu tư hoặc dừng hẳn thì sẽ không có sản phẩm cho tương lai.

Thí dụ thứ tư: hiệu quả kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp nội còn thấp, tỷ trọng doanh nghiệp hòa vốn hoặc có lãi chút đỉnh chiếm đa số. Nay với việc khống chế mức trần chi phí lãi vay được khấu trừ sẽ dẫn tới thực tế chi phí lãi vay được trừ là rất nhỏ (vì lợi nhuận thuần nhỏ) nên những doanh nghiệp kinh doanh hòa vốn hay lỗ coi như không được khấu trừ đồng chi phí lãi vay nào. Tình trạng doanh nghiệp lỗ vẫn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tăng lên.

Có thể thấy cách thức khống chế chi phí lãi vay (cho mục đích thuế) như nêu trong Nghị định sẽ phù hợp nhất cho các nước phát triển với chi phí vốn thấp, tỷ trọng nợ vay không cao trong tổng tài sản, nhiều doanh nghiệp đã bước vào giai đoạn bão hòa của chu kỳ phát triển, lợi nhuận ổn định. Trong khi đó đặc điểm của Việt Nam thì ngược lại: chi phí vốn cao, tỷ lệ nợ vay cao, hầu hết doanh nghiệp mới ở giai đoạn bắt đầu (start-up) hoặc tăng trưởng (growth) nên nhu cầu vốn rất cao mà chủ yếu được tài trợ bằng nợ vay (do thị trường chứng khoán chưa phát triển), hiệu quả kinh doanh thấp. Có thể thấy xét từ góc độ lợi ích của doanh nghiệp nội, thì Nghị định đã kê một liều thuốc không phù hợp cho con bệnh. Cách đơn giản nhất bây giờ là đổi toa thuốc. Chẳng hạn thay vì khống chế mức trần chi phí lãi vay theo tỷ lệ 20% (trên lợi nhuận thuần cộng chi phí lãi vay và khấu hao) thì khống chế dựa trên tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu. Cách này sẽ phù hợp hơn cho đặc thù của các doanh nghiệp nội. Theo đó tùy theo doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp hay dịch vụ mà tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu bị khống chế ở các mức khác nhau như bằng 3, hay 4 hay 5 lần…vv. Khi tỷ lệ này vượt các con số khống chế tương ứng thì chi phí lãi vay không được khấu trừ (cho mục đích thuế). Cùng một bệnh nhưng các con bệnh khác nhau cần những liều lượng thuốc khác nhau thì mới có tác dụng tốt.

Các cơ quan thuế của những nước khác như Úc, Mỹ, châu Âu cũng đã nhìn thấy vấn đề chi phí lãi vay này từ lâu nhưng chọn cách thức quản lý nào cho phù hợp thì là điều cần phải cân nhắc kỹ. Xét cho cùng, thì doanh nghiệp phải sống và phát triển thì mới đóng thuế cho nhà nước được và có những đóng góp khác cho xã hội.

(Mai Đức Nghĩa)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *