Câu chuyện mùa Đại hội cổ đông – Ban kiểm soát nay còn đâu?

Mùa đại hội cổ đông đang rộ. Nổi lên là một số công ty niêm yết trình Đại hội việc thay đổi mô hình quản trị công ty. Theo đó các công ty này sẽ chuyển sang mô hình không có Ban kiểm soát, thay vào đó trách nhiệm giám sát sẽ chuyển về cho các thành viên độc lập của Hội đồng quản trị. Trước hết phải thấy rằng, việc một số công ty chọn mô hình quản trị không có Ban kiểm soát là không trái pháp luật. Cụ thể theo Điều 134 của Luật doanh nghiệp (2014) thì công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau:

a) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc

b) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị. Các thành viên độc lập thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty

Trước khi thời gian có thể trả lời về kết quả của việc thay đổi này, xem xét một cách đơn thuần từ góc độ quy định có thể thấy việc thay đổi này làm giảm tính khách quan và hiệu lực của việc giám sát. Có thể xem  xét các thí dụ sau đây:

Thí dụ thứ nhất: theo điều 20 trong Thông tư 121/2012 thì: “Thành viên Ban kiểm soát có quyền tiếp cận tất cả các thông tin và tài liệu liên quan đến tình hình hoạt động của công ty. Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc) điều hành và cán bộ quản lý khác có trách nhiệm cung cấp các thông tin theo yêu cầu của các thành viên Ban kiểm soát.” Bây giờ thay “Ban kiểm soát” bằng “thành viên độc lập” thì liệu khi thành viên này yêu cầu thông tin thì các Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc) điều hành và cán bộ quản lý khác có trách nhiệm cung cấp các thông tin theo yêu cầu không? Câu trả lời là có nhưng không đầy đủ. Theo Điều 155 (Luật doanh nghiệp) về Quyền được cung cấp thông tin của thành viên Hội đồng quản trị thì: “Thành viên Hội đồng quản trị có quyền yêu cầu Giám đốc, Phó Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, người quản lý các đơn vị trong công ty cung cấp các thông tin, tài liệu về tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh của công ty và của các đơn vị trong công ty.

Như vậy không có quy định nào nói rằng nếu thành viên độc lập này yêu cầu thì các thành viên khác của Hội đồng quản trị phải cung cấp thông tin. Trong khi đó Ban kiểm soát có quyền yêu cầu như vậy. Do đó hiệu lực giám sát bị suy giảm.

Thí dụ thứ hai:  theo điều 21 trong Thông tư 121/2012: Ban kiểm soát chịu trách nhiệm trước cổ đông của công ty về các hoạt động giám sát của mình. Ban kiểm soát có trách nhiệm giám sát tình hình tài chính công ty, tính hợp pháp trong các hoạt động của thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc) điều hành, cán bộ quản lý khác, sự phối hợp hoạt động giữa Ban kiểm soát với Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc) điều hành và cổ đông và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công ty và cổ đông.” Nếu thay cụm từ “Ban kiểm soát” bằng “thành viên độc lập của Hội đồng quản trị” ta sẽ thấy dẫn đến: “thành viên độc lập của Hội đồng quản trị” có trách nhiệm giám sát tình hình tài chính công ty, tính hợp pháp trong các hoạt động của thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng giám đốc) điều hành, cán bộ quản lý khác… Câu hỏi đặt ra là liệu thành viên độc lập này giám sát các thành viên khác và Giám đốc (Tổng giám đốc) thì có khách quan hơn Ban kiểm soát giám sát không? Câu trả lời là không. Vì thành viên độc lập này cũng đang ngồi chung con thuyền mang tên Hội đồng quản trị. Trong khi đó Ban kiểm soát là con thuyền khác, có quyền giám sát Hội đồng quản trị chứ không phải ngồi chung thuyền Hội đồng quản trị. Điều 165 của Luật doanh nghiệp quy định: “Ban kiểm soát thực hiện giám sát Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc trong việc quản lý và điều hành công ty”. Bây giờ với mô hình không có Ban kiểm soát liệu thành viên độc lập có đủ tâm và tầm để giám sát cả Hội đồng quản trị không? Dùng thành viên để giám sát cả tập thể (tức Hội đồng) thì vừa không khách quan vừa không hiệu lực bằng dùng Ban kiểm soát.

Thí dụ thứ ba: Điều 163 Luật doanh nghiệp quy định: “Trưởng Ban kiểm soát phải là kế toán viên hoặc kiểm toán viên chuyên nghiệp và phải làm việc chuyên trách tại công ty”. Vì tầm quan trọng của việc hiểu biết về lĩnh vực kế toán, kiểm toán nên Luật đã đặt ra yêu cầu này cho vị trí Trưởng Ban kiểm soát. Nay với các công ty chọn mô hình quản trị không có Ban kiểm soát thì không có yêu cầu bắt buộc là thành viên độc lập của Hội đồng quản trị phải “là kế toán viên hoặc kiểm toán viên chuyên nghiệp và phải làm việc chuyên trách tại công ty”. Trong khi đó trách nhiệm giám sát của Ban kiểm soát lại chuyển giao cho các thành viên độc lập này.

Thí dụ thứ tư: thành viên độc lập của Hội đồng quản trị trong mô hình không có Ban kiểm soát sẽ phải gánh 2 trách nhiệm: thứ nhất là trách nhiệm của 1 thành viên Hội đồng (thí dụ cho ý kiến, hay bỏ phiếu cho những quyết định thuộc phạm vi của Hội đồng), thứ 2 là trách nhiệm giám sát (thay cho Ban kiểm soát). Liệu một người gánh 2 trách nhiệm như vậy sẽ giám sát tốt hơn một người chỉ làm mỗi nhiệm vụ giám sát? Chưa kể hai nhiệm vụ này có thể mâu thuẫn với nhau dẫn đến tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi. Chẳng hạn thành viên độc lập khi thực hiện vai trò của 1 thành viên Hội đồng đã bỏ phiếu đồng ý thực hiện dự án A, sau này khi thực hiện vai trò giám sát (tương tự như của Ban kiểm soát) phát hiện ra việc thực hiện dự án A là sai lầm hay không hiệu quả. Kết quả giám sát sẽ được trình bày ra sao trong tình huống xung đột lợi ích này?

Việc chuyển sang mô hình quản trị không có Ban kiểm soát chỉ mới manh nha ở Việt Nam, và kết quả thì còn phải đợi thời gian trả lời. Tuy nhiên, qua phân tích trên có thể thấy việc xóa bỏ Ban kiểm soát và chuyển trách nhiệm giám sát về cho các thành viên độc lập của Hội đồng quản trị làm giảm tính khách quan và hiệu lực giám sát. Liệu thành viên độc lập có đủ “danh chính ngôn thuận” để giám sát đồng nghiệp của mình (tức các thành viên khác của Hội đồng quản trị) không hay lấy gì để đảm bảo quyền được tiếp cận thông  tin không hạn chế của thành viên này so với Ban kiểm soát?

(Mai Đức Nghĩa)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *