Mô hình kiểm toán nội bộ tại tập đoàn Bảo Việt
Kiểm toán nội bộ là một bộ phận không thể thiếu trong cơ cấu quản trị doanh nghiệp của hầu hết các công ty lớn trên thế giới. Bộ phận này được xem là hàng phòng thủ cuối cùng của doanh nghiệp, có vai trò hỗ trợ doanh nghiệp trong việc ứng phó với các rủi ro, tận dụng cơ hội để tối ưu hóa kết quả hoạt động. Tại Việt Nam, có thể nhắc tới Tập đoàn Bảo Việt như một trường hợp tiên phong trong việc áp dụng thành công mô hình Kiểm toán nội bộ chuẩn quốc tế.
Vai trò của Kiểm toán nội bộ
Trao đổi với ĐTCK, các DN bảo hiểm cho biết, năm nay sẽ tập trung củng cố hệ thống kiểm toán nội bộ. Bởi lẽ, đây chính là công cụ giúp DN tự bảo vệ trước rủi ro và ứng phó linh hoạt với các nguy cơ, các mối đe dọa ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp.
Là một trong những đơn vị hàng đầu Việt Nam trong việc xây dựng và vận hành mô hình kiểm toán nội bộ theo chuẩn mực quốc tế, Tập đoàn Bảo Việt cho biết bộ phận Kiểm toán nội bộ là trợ thủ đắc lực của Hội đồng Quản trị cũng như Ban Điều hành trong việc đảm bảo một hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả xuyên suốt toàn Tập đoàn, góp phần hỗ trợ Tập đoàn trong việc đạt được các mục tiêu kinh doanh.
Năm 2016 là năm bản lề cho hoạt động của bộ phận Kiểm toán nội bộ Tập đoàn này trong giai đoạn 5 năm 2016-2020 với những mục tiêu thách thức hơn nhằm hỗ trợ Tập đoàn và các công ty thành viên đạt được các mục tiêu đề ra và đáp ứng yêu cầu quản trị của Tập đoàn.
Còn tại PVI, Vinare, kiểm toán nội bộ cũng đang được đầu tư nhằm dần tiếp cận với thông lệ quốc tế.
Thực tế, các DN đánh giá cao những giá trị mà kiểm toán nội bộ mang lại. Với họ, đây chính là công cụ giúp phát hiện và cải tiến những điểm yếu trong hệ thống quản lý của doanh nghiệp. Thông qua công cụ này, Ban Lãnh đạo và Hội đồng Quản trị có thể kiểm soát hoạt động tốt hơn, quản lý rủi ro tốt hơn, tăng khả năng đạt được các mục tiêu kinh doanh, nắm bắt được các cơ hội tốt từ môi trường bên ngoài. Bên cạnh đó, kiểm toán nội bộ còn đem lại những giá trị khác cho các Tập đoàn, DN lớn như góp phần hình thành nên văn hóa quản lý rủi ro, kiểm soát nội bộ, tuân thủ trong toàn hệ thống; góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Với khối công ty đại chúng quy mô lớn, ngoài các giá trị như trên, bà Trần Thị Diệu Hằng, Giám đốc Khối Kiểm toán nội bộ Tập đoàn Bảo Việt còn cho biết thêm một doanh nghiệp có kiểm toán nội bộ sẽ làm gia tăng niềm tin của các cổ đông, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán về hệ thống quản trị.
Thống kê trên thế giới cũng cho thấy các công ty có phòng kiểm toán nội bộ thường có báo cáo đúng hạn, báo cáo tài chính có mức độ minh bạch và chính xác cao, khả năng gian lận thấp và cuối cùng là hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn so với các công ty không có phòng kiểm toán nội bộ.
Mô hình kiểm toán nội bộ theo chuẩn mực quốc tế
Các DN thuộc nhóm ngành tài chính – bảo hiểm có cổ đông chiến lược ngoại được cho là có lợi thế hơn trong việc tiếp cận với chuẩn quốc tế này như Tập đoàn Bảo Việt, PVI, Vinare, Bảo Minh, PTI, BIC…
Tại Bảo Việt, với sự hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao năng lực của đối tác chiến lược nước ngoài trước đây là HSBC, bộ phận kiểm toán nội bộ đã được thành lập và hoạt động theo đúng các chuẩn mực, thông lệ tiên tiến nhất. Kiểm toán nội bộ Tập đoàn Bảo Việt là bộ phận trực thuộc Hội đồng Quản trị có chức năng cung cấp những đánh giá độc lập, khách quan về hệ thống kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro và quản trị doanh nghiệp trong các lĩnh vực hoạt động kinh doanh của Tập đoàn cho Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc trên cơ sở hoạt động đảm bảo và tư vấn.
Còn tại PVI và Vinare với lợi thế của cổ đông ngoại lần lượt là Talanx, OIF và Swiss Re, kiểm toán nội bộ cũng đã được đầu tư nhằm dần tiếp cận với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, đánh giá tình hình thực hiện quản trị công ty của DN Việt nói chung, khối tài chính – bảo hiểm nói riêng dựa trên thẻ điểm quản trị Công ty khu vực ASEAN đối với nhóm chỉ tiêu trách nhiệm của HĐQT liên quan đến kiểm toán nội bộ cho thấy, đa số DN chưa thực hiện theo thông lệ, hoặc chưa thực hiện đầy đủ theo thông lệ quốc tế.
Cụ thể, đa số DN không có bộ phận kiểm toán nội bộ độc lập; không công bố danh tính của trưởng ban kiểm toán nội bộ, hoặc nêu lên tên công ty dịch vụ (trường hợp thuê dịch vụ bên ngoài); việc bổ nhiệm và bãi nhiệm của nhân viên nội bộ không thông qua tiểu ban kiểm toán; và báo cáo thường niên của DN không có lời xác nhận từ HĐQT và BKS rằng hệ thống quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ hoạt động hiệu quả.
Với Bảo Việt, qua 8 năm vận hành bộ phận kiểm toán nội bộ, nay là Khối Kiểm toán nội bộ, khối này tại Tập đoàn đã khẳng định được vị trí, vai trò trong việc hỗ trợ đắc lực cho công tác quản trị, điều hành kinh doanh của Lãnh đạo Tập đoàn. Chẳng hạn chỉ ra những điểm còn tồn tại trong hệ thống quản lý rủi ro, kiểm soát nội bộ, quản trị doanh nghiệp và đưa ra những khuyến nghị để hoàn thiện hệ thống này, đồng thời giúp Tập đoàn nắm bắt được các cơ hội đầu tư. Trước yêu cầu cao của chuẩn mực nghề nghiệp, khối này cũng đã đào tạo được một đội ngũ kiểm toán viên có phẩm chất đạo đức, nhận thức, kiến thức và kỹ năng tốt – trung thực, khách quan, ý thức tuân thủ cao, am hiểu tổ chức, am hiểu quy trình nghiệp vụ, am hiểu các thông lệ quốc tế trên nhiều lĩnh vực hoạt động.
Việc thực hiện hầu hết các nhóm chỉ tiêu liên quan đến kiểm toán nội bộ trong Thẻ điểm quản trị Công ty khu vực ASEAN cho thấy, Bảo Việt đã xây dựng thành công mô hình kiểm toán nội bộ chuẩn quốc tế, góp phần nâng cao giá trị doanh nghiệp, củng cố niềm tin của cổ đông, đối tác và khách hàng.
Thực tế, tại các DN bảo hiểm, lực lượng kiểm toán viên nhìn chung còn mỏng so với chức năng, nhiệm vụ được giao, trong khi nguồn cung kiểm toán viên nội bộ trên thị trường lao động còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng; hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ, công cụ hỗ trợ để quản lý hoạt động kiểm toán nội bộ do chi phí lớn. Ngoài ra, có những thách thức trong việc đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các bên liên quan, thách thức trong việc bắt kịp xu hướng vận động của hoạt động kiểm toán nội bộ trên thế giới.
(Nguồn baoviet.com.vn)