Kinh nghiệm kiểm toán nội bộ cho Việt Nam
Tiến sĩ AJ Purcell – Trưởng ban kiểm toán nội bộ của CPA Australia chia sẻ một số kinh nghiệm của Australia và những bài học có thể áp dụng cho Việt Nam.
– Theo ông, kiểm toán nội bộ trong quy trình quản lý rủi ro và hoạt động trong doanh nghiệp tư nhân, cơ quan nhà nước tại Việt Nam có tầm quan trọng như thế nào?
– Kiểm toán nội bộ là hoạt động cần thiết đồng thời là một trong những quy trình quản trị có hiệu quả tại công ty. Trước hết, đội ngũ lãnh đạo có phận sự phải đưa công ty vào quy trình tổ chức và kiểm soát nội bộ tốt. Họ phải đưa ra quy trình quản lý rủi ro và tuân thủ nó một cách hiệu quả. Ngoài ra, đội ngũ này phải xây dựng bộ phận kiểm toán nội bộ để tư vấn cho lãnh đạo dịch vụ bảo đảm toàn diện, dựa trên sự khách quan và độc lập.
– Việc thiết lập chức năng và bộ phận kiểm toán nội bộ cần những gì?
– Theo tôi, các doanh nghiệp cần xây dựng đội ngũ lãnh đạo nòng cốt, nguồn lực; đặt ra mục tiêu, sự kỳ vọng; lên kế hoạch kiểm toán, ngân sách; xác định mục tiêu tầm thấp… Bên cạnh đó, các đơn vị cần có kỹ năng, phương pháp, công nghệ, thiết lập quy trình truyền thông và có kỹ năng đánh giá cần thiết.
– Ông có thể đưa ra vài kinh nghiệm tổ chức thực hiện kiểm toán nội bộ của Australia và một số quốc gia khác mà có thể áp dụng tại Việt Nam?
– Trước hết, việc bổ nhiệm đúng người lãnh đạo kiểm toán nội bộ là một điều rất cần thiết. Họ cần phải có những kỹ năng chuyên môn, giao tiếp và tổ chức phù hợp với chức vụ. Bên cạnh đó là nguồn lực. Bộ phận kiểm toán nội bộ có thể dựa trên nguồn lực trong, ngoài công ty hoặc kết hợp cả trong và ngoài. Tuy nhiên, nguồn lực đó được xây dựng như thế nào, trách nhiệm kiểm toán nội bộ phải do những người của công ty đó gánh vác. Người của công ty phải có trách nhiệm đạt được kết quả như mong muốn.
Việc nắm rõ kỳ vọng của các đối tác và cổ đông đóng vai trò quan trọng. Ban lãnh đạo và điều hành cần xác định kiểm toán nội bộ sẽ bổ sung giá trị nào cho công ty chứ không chỉ làm gia tăng chi phí quản lý nói chung. Các doanh nghiệp cũng cần xác định rõ mục tiêu của kiểm toán nội bộ. Nếu xác định được rõ kỳ vọng và kết quả, bạn có thể áp dụng công cụ đo lường hoạt động để đánh giá mức độ thành công.
Về kế hoạch kiểm toán, các doanh nghiệp cần thiết lập kế hoạch chiến lược bao gồm việc xác định tất cả những hoạt động có thể được kiểm toán trong công ty, tổ chức trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm dựa trên cơ sở là khả năng chấp nhận rủi ro và tầm quan trọng chiến lược của các hoạt động này với tổ chức. Việc thiết lập ngân sách cho hoạt động kiểm toán nội bộ phải gắn kết chiến lược với các nguồn lực để đạt được kết quả như mong đợi.
Ngoài ra, bạn cần đạt được một số kết quả nhất định trong khoảng thời gian ngắn nhất để xây dựng sự tín nhiệm. Trong vòng 100 ngày đầu tiên khi bắt đầu triển khai hoạt động kiểm toán nội bộ, bạn sẽ có thể chứng minh một vài giá trị nhất định.
– Ông hãy chia sẻ thêm về vấn đề này?
– Ngoài những yếu tố đã nêu trên, việc tiếp tục đánh giá nhu cầu của công ty và các kỹ năng cần có trong kiểm toán nội bộ là vấn đề cần thiết. Đôi khi, mọi người hay tập trung vào số lượng nhân viên thay vì những kỹ năng cần có. Điều quan trọng nhất vẫn là kỹ năng, năng lực và năng suất của từng người trong đội ngũ kiểm toán nội bộ công ty.
Bên cạnh đó, bạn cần tiếp cận một cách phù hợp và chính thống với các cuộc phỏng vấn, việc quản lý tài liệu, báo cáo, lưu trữ tài liệu và tất cả quy trình khác có liên quan tới kiểm toán nội bộ. Về mặt công nghệ, bạn cần có một hệ thống có thể hỗ trợ công việc của bạn, ví dụ như hệ thống CAAT.
Ngoài ra, các đơn vị cần thiết lập một quy trình truyền đạt thông tin đến bộ phận được kiểm toán, ban lãnh đạo và ban kiểm toán một cách nhất quán. Doanh nghiệp cũng cần đánh giá được mức độ hiệu quả của kiểm toán nội bộ. Để làm được điều đó, bạn có thể sử dụng phương pháp thẻ điểm cân bằng, trong đó tập trung vào 4 điều: học hỏi và phát triển, các quy trình kinh doanh, quan điểm của khách hàng và quan điểm tài chính.
– Ông có thể chia sẻ những gợi ý, đề xuất để phát triển kế hoạch kiểm toán nội bộ trong ngắn và dài hạn cho các doanh nghiệp tư nhân, cơ quan nhà nước tại Việt Nam?
– Một điều rất quan trọng là bạn cần hiểu việc quản lý rủi ro cũng cần tương xứng với khả năng chấp nhận nó của tổ chức. Điều đó cho phép nhà kiểm toán nội bộ phát triển nguồn lực phù hợp để đưa ra sự đảm bảo cho các rủi ro đó.
Ban kiểm toán nội bộ cần thiết lập một kế hoạch kiểm toán, xác định tất cả hoạt động có thể được kiểm toán và đánh giá mức độ rủi ro của các hoạt động đó. Kế hoạch kiểm toán cần được xây dựng cho giai đoạn từ 3 đến 5 năm cho tương xứng với nguồn lực mà bạn đã có để thực hiện kế hoạch. Bỏ đi các mục rủi ro thấp và tập trung vào rủi ro ở mức độ trung bình hoặc cao sẽ là những trọng tâm trong vấn đề kiểm soát nội bộ.
(Nguồn: vnexpress.net)